Ngôi trường xác sống’ – cuộc chiến sinh tử

Rate this post

* Bài viết tiết lộ nội dung phim

Ngôi trường xác sống (All of us are dead) gây sốt toàn cầu, đứng đầu danh sách được xem nhiều nhất của Netflix tại 53 quốc gia và vùng lãnh thổ, kể từ khi phát hành ngày 28/1. Phim vào Top 10 tác phẩm không nói tiếng Anh được xem nhiều nhất trên nền tảng trực tuyến này.

Chuyển thể từ webtoon (truyện tranh mạng) Now at our school của Joo Dong Geun, phim gồm 12 tập, theo chân nhóm học sinh chiến đấu chống lại những thây ma từng là bạn học của mình. Họ còn phải tìm cách sống sót trước khi được giải cứu.

Chuyện bắt đầu khi nữ sinh Hyeon Ju (Jung Yi Seo) bị con chuột trong phòng thí nghiệm cắn vào tay rồi biến thành xác sống khát máu. Zombie lan nhanh với tốc độ chóng mặt, không gian lớp học, phòng âm nhạc, y tế, thư viện, tầng thượng và sân chơi… vốn yên bình trở thành đấu trường sinh tử. Học sinh sử dụng bàn, ghế, đàn piano hay những quả bóng trong phòng thể dục làm công cụ chiến đấu.

Trailer phim 'All of Us Are Dead'

 
 

Trailer phim “Ngôi trường xác sống”, dán nhãn 18+. Video: Netflix

Lấy bối cảnh trường trung học Hyosan, phim lột tả vấn nạn bạo lực học đường. Virus zombie là sản phẩm thí nghiệm của Lee Byeong Chan – giáo sư trong trường. Con trai Lee – Jinsu – bị bạn học bắt nạt, kéo lên sân thượng đánh đập đến chết. Ông nghiên cứu loại virus giúp con trai sống lại, khỏe mạnh và có khả năng chống trả. Tuy nhiên, mọi chuyện vượt quá tầm kiểm soát của Lee khi Jinsu trở nên hung hãn, biến thành xác sống và tấn công cả mẹ ruột. Ông buộc lòng giết vợ con, giấu kín mọi chuyện và đưa loại virus đó vào trong con chuột ở phòng thí nghiệm. Điều Lee không ngờ tới là học sinh bị chuột tấn công khiến virus lây lan. Trước đó, Lee Byeong Chan từng đến trường phản ánh về việc con trai bị bắt nạt. Tuy nhiên, nhà trường không truy cứu vì cho rằng đó chỉ là trò trẻ con.

Gwi Nam (Yoo In Soo) cầm đầu nhóm người chuyên bắt nạt học sinh yếu thế. Hắn ép Eun Ji (Oh Hye Soo) cởi đồ rồi quay video “nóng” khiến cô sợ hãi, lên sân thượng định tự tử. Ngay cả khi mắc kẹt trong vòng vây của thây ma, Eun Ji chỉ lo lắng về viễn cảnh những thước phim cô bị tấn công tình dục đăng lên mạng.

Phim cũng phản ánh nhiều hiện trạng xã hội như gian lận trong thi cử, phân biệt giàu nghèo, mang thai ở trẻ vị thanh niên, lợi ích nhóm và sự vô tâm của người lớn… Nữ sinh Hee Soo mang thai nhưng bạn bè, thầy cô không biết. Trở dạ trong giờ học, cô tự sinh con và có ý định vứt bỏ đứa bé để trốn tránh trách nhiệm.

Khi virus lây lan, thay vì cứu học sinh, ban giám hiệu trường tìm cách che giấu, bỏ mặc các em tự sinh, tự diệt. Cuối phim, nhóm On Jo (Park Ji Hoo) lên sân thượng để cầu cứu quân đội nhưng họ từ chối.

Ký ức về thảm họa chìm phà Sewol năm 2014 khiến 304 người chết và chín người mất tích được khắc họa qua hình ảnh học sinh quây quần trong phòng nhạc, quay video từ biệt người thân khiến nhiều khán giả xúc động.

Diễn xuất của dàn sao trẻ được đánh giá cao. Ảnh: Netflix

Diễn xuất của dàn sao trẻ được đánh giá cao. Ảnh: Netflix

Phim có dàn nhân vật đông đảo, mỗi người tạo điểm nhấn riêng biệt. Đan xen những màn vồ bắt, cắn xé của xác sống là câu chuyện về bản chất, cách ứng xử của con người trong hoàn cảnh tuyệt vọng. On Jo (Park Ji Hoo) điềm đạm, tốt bụng, bảo vệ bạn bè ngay cả khi có nguy cơ bị tấn công. Cô sử dụng các kỹ năng sinh tồn học từ cha – làm nghề lính cứu hỏa – để thoát thân. Na Yeon (Lee Yoo Mi) tiểu thư nhà giàu ích kỷ, coi thường những người có hoàn cảnh thấp kém hơn mình. Cô chỉ trích bạn học là kẻ ăn bám xã hội, đổ lỗi, thậm chí hãm hại người khác để được sống. Lee Cheong San (Yoon Chan Young) lương thiện, quyết đoán, dũng cảm và hết lòng vì bạn bè. Nam Ra (Cho Yi Hyun) mang trong mình kháng thể virus, hỗ trợ mọi người trong việc tìm ra vị trí của thây ma.

Trên Korea Times, đạo diễn Lee Jae Kyo cho biết: “Khi rơi vào tình huống nguy hiểm, người lớn chọn cách an toàn. Đối với trẻ em, đôi khi chúng đưa ra những quyết định liều lĩnh theo bản năng. Tôi muốn mọi người phải suy nghĩ về các quyết định và hành động của bọn trẻ trong tình huống sinh tử”. Học sinh cũng áp dụng công nghệ để tìm lối thoát như: sử dụng máy bay không người lái để tìm kiếm bạn bè, cố gắng mở khóa điện thoại bằng nhận diện gương mặt khi chủ nhân đã biến thành thây ma hay cầu cứu trên mạng xã hội…

Một cảnh trong phim 'Ngôi trường xác sống'

 
 

Cảnh rượt đuổi trong thư viện ở phim “Ngôi trường xác sống”. Video: Netflix

Mặc dù chuyển thể từ webtoon, phim mang màu sắc khác biệt, phù hợp với bối cảnh đại dịch trên toàn cầu nhờ thêm thắt các tình tiết mới. Ngoài thây ma truyền thống như các tác phẩm cùng đề tài, phim còn xây dựng nhiều biến thể. Nhân vật phản diện Gwi Nam biến thành xác sống nhưng vẫn có ý thức của con người. Lớp trưởng Nam Ra như người thường nhưng có sức mạnh và đặc điểm của zoombie biến thể.

Diễn xuất, hóa trang của dàn nghệ sĩ nhiều độ tuổi là một điểm cộng. Đạo diễn Lee Jae Kyo cho biết trước khi bấm máy ba tháng, các diễn viên phải đến trường học để tham gia huấn luyện về cách chiến đấu với zombie, chạy, ngã… Êkíp cũng đầu tư về tạo hình zombie giúp tăng cảm giác sợ hãi cho người xem. Các cảnh quay đặc tả xác sống máu me, vặn vẹo hay cắn xé người tạo hiệu ứng tốt. Một số cảnh rộng khắc họa được sự náo loạn, gay cấn khi đại dịch ập đến.

Nhân vật Gwi Nam (Yoo In Soo) biến thành xác sống nhưng vẫn có ý thức của con người. Ảnh: Netflix

Nhân vật Gwi Nam (Yoo In Soo) biến thành xác sống nhưng vẫn có ý thức của con người. Ảnh: Netflix

Điểm trừ của phim là đạo diễn tham thêm thắt các tình tiết dẫn đến nhiều phân cảnh dài dòng, gây nhàm chán. Cảnh nhóm học sinh thoát khỏi trường diễn ra chóng vánh, nhiều chi tiết chưa được lý giải ổn thỏa. Điều này để ngỏ khả năng series có phần hai. Trên Korea Times, đạo diễn nói: “Tôi đã tính đến phần thứ hai từ khi xây dựng câu chuyện. Nếu phần một nói về sự sinh tồn của con người thì phần hai bàn về chuyện sống sót của các thây ma”.

Hiểu Nhân


Bình luận

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *