Đỗ Hải Yến tri ân điện ảnh

Rate this post

Chương trình Tuần lễ phim Việt diễn ra từ ngày 27 đến 31/5, chiếu các tác phẩm gồm: Đến hẹn lại lên (1974), Thương nhớ đồng quê (1995), Chuyện của Pao (2006), Mùa len trâu (2004) và Song Lang (2018).

Nghệ sĩ Nhân dân Như Quỳnh (trái) chia sẻ những kỷ niệm của bà khi đóng phim Đến hẹn lại lên của đạo diễn Trần Vũ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nghệ sĩ Nhân dân Như Quỳnh (trái) nói về những kỷ niệm của bà khi đóng phim “Đến hẹn lại lên” của đạo diễn Trần Vũ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nữ diễn viên cho biết lý do thực hiện chương trình: “Tôi mong mang các tác phẩm hay của nước nhà tới gần hơn với khán giả. Dù xa điện ảnh một thời gian, tình yêu của tôi dành cho nghệ thuật thứ bảy luôn lớn. Tôi luôn muốn góp phần để tri ân điện ảnh”.

Chủ đề Vẻ đẹp của sự nguyên bản gợi nhắc rằng mỗi vùng miền quê hương đều lưu giữ giá trị đẹp về con người, văn hóa và lối sống – những điều dần mai một trong đời sống hiện đại.

Năm tác phẩm được quay ở nhiều khu vực, lấy bối cảnh của các thời kỳ khác nhau trong lịch sử dân tộc. Từ không gian Kinh Bắc của Đến hẹn lại lên, ngoại ô Hà Nội trong Thương nhớ đồng quê của Đặng Nhật Minh, ngược lên Tây Bắc trong Chuyện của Pao. Hành trình ấy lại tiếp tục “về” miền Tây chiêm nghiệm mùa nước nổi cùng với Mùa len trâu, rồi kết thúc chặng đường với bối cảnh Sài Gòn xưa của Song Lang.

Đỗ Hải Yến tri ân điện ảnh Việt

 
 

Diễn viên Kiều Trinh (giữa) chia sẻ về lần casting nhân vật Bân trong phim “Mùa len trâu” do Nguyễn Võ Nghiêm Minh đạo diễn. Video: Quế Chi

Cuối mỗi buổi chiếu có phần giao lưu khách mời, với sự xuất hiện của những diễn viên, nghệ sĩ gắn liền với quá trình sáng tạo tác phẩm. Tuần phim quy tụ nhiều tên tuổi như: Nghệ sĩ Nhân dân Như Quỳnh, Nghệ sĩ Nhân dân Thúy Hường, diễn viên Kiều Trinh, Liên Bỉnh Phát…

Nghệ sĩ Nhân dân Như Quỳnh tham gia hai buổi của sự kiện. Sau khi xem Đến hẹn lại lên, nữ diễn viên kể về những kỷ niệm của bà và đoàn phim. Ngoài cảm xúc đối với tác phẩm chính, Như Quỳnh nhớ lại: “Nhiều khán giả xem Đông Dương (1992) hay Mùa hè chiều thẳng đứng (2000), họ tìm đến quán cà phê của tôi để được gặp tôi ngoài đời”.

Với Mùa len trâu, diễn viên Kiều Trinh nhắc lại những thử thách lúc casting vào vai Bân – người phụ nữ miền Tây chịu thương, chịu khó. Khi tác phẩm chuẩn bị bấm máy, cha của Kiều Trinh bị tai biến, nữ diễn viên định từ chối vào vai nhưng đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh thuyết phục chị. Kiều Trinh xúc động nói: “Xem lại những cảnh quay của diễn viên Ánh Hoa và Hữu Thành, tôi không kìm được nước mắt vì thật khó hình dung hai nghệ sĩ đã qua đời”.

Đỗ Hải Yến (trái) và Lê Hồng Lâm trong chương trình Tuần lễ phim Việt. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đỗ Hải Yến (trái) và Lê Hồng Lâm trong chương trình “Tuần lễ phim Việt”. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trong đêm cuối của tuần phim, Vũ Minh Hoàng (giảng viên Đại học Fulbright, TP HCM) phát biểu sau khi xem Song Lang: “Bộ phim mang lại cho tôi nhiều cảm xúc, rõ rệt nhất là tự hào về căn tính Việt Nam. Tác phẩm làm tôi liên tưởng tới Brokeback Mountain nhưng với một phong cách thuần Việt”.

Diễn viên Đỗ Hải Yến hy vọng duy trì được hoạt động chiếu phim để tiếp tục giới thiệu những tác phẩm điện ảnh nước nhà đến khán giả.

Đỗ Thị Hải Yến sinh năm 1982, diễn xuất từ năm 17 tuổi trong phim Mùa hè chiều thẳng đứng của đạo diễn Trần Anh Hùng. Năm 2001, chị vượt qua hơn 2.000 ứng viên để trở thành nữ diễn viên chính trong phim Người Mỹ trầm lặng (2002) của đạo diễn Phillip Noyce, đóng cùng hai tài tử Michael Caine và Brendan Fraser. Sau này, chị tham gia nhiều phim được đánh giá cao về chất lượng và đi nhiều liên hoan phim quốc tế như Chơi vơi (2008), Cánh đồng bất tận (2010)… Tác phẩm gần nhất của Đỗ Hải Yến là Cha và con và… của đạo diễn Phan Đăng Di, được lựa chọn tranh giải Gấu Vàng ở Liên hoan phim Berlin 2015.

Quế Chi


Bình luận

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *